Phượt thủ Tạ Nam Long chia sẻ nhiều kinh nghiệm như chuẩn bị đồ cá nhân, kỹ năng xử lý tình huống khi quyết định khám phá một vùng đất mới bằng xe máy.
Sau tai nạn, một người bạn bị liệt quá nửa người (từ ngực trở xuống) ở Bãi Chạo, Hòa Bình vào 3 tháng trước, cuộc đời phải gắn với chiếc xe lăn. Tôi đến thăm bạn để chia sẻ động lực vì bản thân cũng từng tai nạn, chấn thương và trải qua phút cận kề giữa sự sống và cái chết.
Tôi chia sẻ bài viết này với mong muốn nhắc nhở bản thân và mọi người cần cẩn thận trên mỗi cung đường. Dưới đây là một số kinh nghiệm của tôi về việc chuẩn bị đồ đạc và chạy xe máy trước mỗi chuyến đi.
Chuẩn bị phương tiện
Trước mỗi chuyến đi, bạn nên kiểm tra kỹ xe. Hãy chăm sóc và đối xử tốt với xe của mình vì đó là người bạn đồng hành với ta trên suốt quãng đường.
– Kiểm tra còi, đèn pha, xi nhan, gương, thay dầu máy, nước làm mát, tăng xích trùng, thay má phanh (nếu mòn).
– Kiểm tra lốp, săm thật kỹ. Nếu lốp mòn, săm bị “cắn đinh”, bạn nên thay mới.
Tạ Nam Long trong chuyến đi tại Sơn La. |
– Cất chứng minh thư, bằng lái, giấy tờ xe vào túi nylon chống nước.
– Nên in bản sao chứng minh thư và ghi thêm thông tin về nhóm máu, số điện thoại liên hệ người thân. Các loại giấy tờ này nên để ở túi áo ngực, nếu xảy ra tai nạn sẽ có người lục túi áo bạn để lấy thông tin cần thiết và gọi cho người thân.
– Đừng quên mang chìa khóa xe dự phòng trong balo, đề phòng trường hợp bạn làm rơi chìa khóa xe ở nơi xa.
– Nên học cách tự vá xe và mang theo một bộ dụng cụ.
– Dành thời gian xem trước toàn bộ cung đường sắp đi, chú ý những địa danh nổi tiếng trên đường.
Đồ đạc cá nhân
Nếu bạn là người lái xe nghiêm túc, hãy chuẩn bị cho mình những đồ đạc tối thiểu để đảm bảo an toàn khi chạy xe máy. Tôi luôn nhớ câu nói nổi tiếng “All the gear, all the time” (tạm dịch: Đủ đồ mọi lúc mọi nơi) trước khi lên đường.
– Bạn cần ưu tiên số 1 cho đồ bảo hộ. Chúng ta nên mua mũ bảo hiểm chất lượng cao, loại kín mặt càng tốt. Khi đeo mũ kín mặt, bạn sẽ không bị gió tạt vào mặt, bụi bay vào mắt, quan trọng nhất là chiếc mũ sẽ đảm bảo an toàn khi không may xảy ra sự cố.
– Quan trọng không kém là đồ bảo hộ đầu gối và khuỷu tay. Khi bạn ngã xe, đây sẽ nơi thường va đập mạnh nhất. Các khớp gối và khuỷu tay có cấu tạo rất phức tạp (liên quan đến xương, gân, cơ, dây chằng, mạch máu, thần kinh…) những chấn thương thường rất nghiêm trọng.
Những vật dụng cá nhân của tác giả mang trước mỗi chuyến đi. |
– Bạn nên mua vật dụng bằng da và nhựa dẻo (đồ bằng kim loại sẽ rất nguy hiểm, có thể cứa vào da thịt khi ngã ).
– Nếu có điều kiện, bạn nên mua những bộ quần áo môtô. Bộ quần áo này có thể chống nước, chịu mài mòn, va đập bởi các tấm bảo vệ ngực, khuỷu tay, đầu gối bên trong.
– Kính đi đường: Kính trắng dùng buổi tối và kính râm cho ban ngày. Chạy xe đường dài ban ngày mà không đeo kính râm, bạn sẽ bị lóa mắt, buồn ngủ.
– Nếu bạn không dùng mũ bảo hiểm kín mặt, khẩu trang là thứ rất cần thiết. Ta nên dùng khẩu trang y tế, dùng một lần rồi bỏ, không lo nắng gió, bụi đường.
– Găng tay: Những bạn đi xe côn tay nên có một đôi, không cần loại đắt tiền. Găng tay sẽ giúp tay bạn tránh nắng và bám chắc tay ga, tay côn.
– Bạn nên đi giày cao cổ hoặc ủng. Giày cao cổ thường có khả năng chống nước và bảo vệ cổ chân.
– Cần một bộ quần áo mưa. Áo mưa giấy hoặc áo mưa choàng có thể gây nguy hiểm khi đi xe đường dài.
– Nên chuẩn bị một mảnh decal màu vàng (decal xuyên đèn) dán vào đèn pha để “phá sương” khi gặp đoạn đường nhiều sương mù.
– Nên mua miếng dán phản quang hoặc mặc áo phản quang nếu bạn chạy xe buổi tối.
– Đồ y tế: Có rất nhiều dụng cụ y tế cần thiết, nhưng tai nạn mất máu cấp dẫn đến tử vong là nguy hiểm và hay gặp nhất, vì vậy bạn nên có một vài cuộn băng gạc và băng ép để cầm máu vết thương.
Những điều nên nhớ
– Nếu đi theo đoàn, bạn nên đi theo hàng một và tuân thủ chỉ dẫn của người trưởng đoàn.
– Đi đúng tốc độ cho phép trong khu vực đông dân cư, thường là 50 km/h.
Tạ Nam Long là admin Hội thám hiểm hang động Việt Nam. |